Cấp cứu: 024 3838 6009 - Hotline: 0886568115 - Địa chỉ: 38, Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội


[rev_slider home1slider]

Dịch sốt xuất huyết bùng phát: Dấu hiệu, chẩn đoán và phương pháp phòng bệnh

2020-10-30

                  Sốt xuất huyết là gì?

          Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

          Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành phổ biến ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

          Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên chúng ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những tuýp khác nhau. 

            Triệu chứng bệnh?

          * Ở thể bệnh nhẹ: bệnh nhân có triệu chứng:

- Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C;

- Tình trạng sốt có thể kéo dài 4 – 7 ngày và rất khó hạ sốt;

- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu;

- Đau nhức khớp và cơ;

- Buồn nôn và ói mửa;

- Có tình trạng nổi mẩn đỏ, phát ban;

          * Ở thể bệnh nặng: bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

          * Hội chứng sốc dengue:

          Đây là thể bệnh nghiêm trọng nhất đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Dấu hiệu của bệnh bao gồm tất cả những triệu chứng kể trên. Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết nặng và tụt huyết áp, ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

            3 giai đoạn tiến triển của bệnh sốt xuất huyết

Giai đoạn 1: Các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường: người bệnh bị sốt cao 39 – 40 độ C một cách đột ngột trong 1 hoặc 2 ngày đầu. Cần phải đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để làm xét nghiệm Dengue NS1 Ag ngay và nhanh chóng điều trị nếu nhận kết quả dương tính.

Giai đoạn 2: từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, giai đoạn rất nguy hiểm, các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu được nhận thấy: xuất huyết dưới da ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi; chảy máu cam; chảy máu chân răng. Những biến chứng nặng hơn sẽ xuất hiện: bệnh nhân có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường.

Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục, người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.

           Phương pháp chẩn đoán sốt xuất huyết

          Bác sỹ CKI Nguyễn Tiến Dũng - Bệnh viện Nam Thăng Long cho biết, những dấu hiệu của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với sốt phát ban. Vì thế, để chẩn đoán bệnh chính xác, không thể chỉ dựa vào những dấu hiệu bệnh mà còn cần phải làm xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

          * Xét nghiệm: Thông thường, người bệnh sốt xuất huyết sẽ có tình trạng bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3, thể tích khối hồng cầu tăng hơn 20%.

- Xét nghiệm NS1: Với loại xét nghiệm này, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh sớm từ ngày đầu tiên bị sốt. Người bệnh thường được chỉ định làm xét nghiệm này từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 kể từ khi có dấu hiệu bị bệnh.

- Xét nghiệm kháng thể IgM/Xét nghiệm kháng thể IgG: Loại xét nghiệm này được chỉ định thực hiện từ ngày thứ 6. Bằng xét nghiệm này, bác sỹ có thể xác định cơ thể người bệnh có thể chống lại virus trong giai đoạn cấp tính hay không.

- Xét nghiệm chức năng gan, thận, điện giải đồ đề có thể đánh giá được mức độ tổn thương của cơ thể.

Xét nghiệm là cách chẩn đoán sốt xuất huyết chính xác nhất

          * Chẩn đoán hình ảnh: Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm bước chẩn đoán hình ảnh để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất:

- Siêu âm ổ bụng.

- Chụp X-quang tim phổi: Đây là phương pháp để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, kiểm tra bệnh nhân có hiện tượng ứ tràn dịch màng phổi hay không.

                Phòng bệnh sốt xuất huyết

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ,… để muỗi không vào đẻ trứng.

- Thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.

- Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà

          Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần đến khám tại cơ sở y tế và thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý điều trị. 

          Để được tư vấn và đặt lịch khám, quý khách vui lòng liên hệ hotline 088.6568.115

Trà My - Phòng CTXH

 

 

Tìm kiếm
Giờ làm việc
- Trực cấp cứu 24/24h tất cả các ngày trong tuần từ thứ hai đến chủ nhật kể cả ngày lễ tết.
- Khám chữa bệnh các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ 6
Mùa hè:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h30’-17h00’
Mùa Đông:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h00’-16h30’

Xem chi tiết khám ngoài giờ

Đang online: 3
Truy cập hôm nay: 25
Tổng số truy cập: 173127
Tắt [X]