Cấp cứu: 024 3838 6009 - Hotline: 0886568115 - Địa chỉ: 38, Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội


[rev_slider home1slider]

Bệnh trứng cá – Những điều cần biết

2018-01-16

           Bệnh trứng cá (Acne vulgaris)  là một bệnh viêm nang lông tuyến bã thường xuất hiện ở vùng mặt, ngực, lưng. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi thiếu niên, thanh niên từ 15 đến 30 tuổi ở cả nam và nữ với nhiều hính thái tổn thương đa dạng như: sẩn, mụn nhân đầu trắng, nhân đầu đen, mụn trứng cá cục, mụn mủ, nang bọc…tạo sẹo lồi sẹo lõm to. Bệnh ảnh hưởng đến tâm lý thẩm mỹ, bệnh nhân lo lắng vì tổn thương thường xuất hiện ở mặt.

           Do khí hậu nhiệt đới gió mùa, đa số người Việt Nam là da dầu nên trứng cá là bệnh da thường  gặp. Do “ thường gặp” nên nhiều người thay vì đến bác sĩ điều trị lại chấp nhận để mụn tự phát triển, chủ quan nghĩ một thời gian hay qua tuổi dậy thì sẽ tự hết dẫn đến bệnh biến chứng nặng lâu khỏi, khỏi những vẫn để lại sẹo sâu, lồi lõm khiến bệnh nhân ái ngại mỗi khi tiếp xúc mọi người.

Ảnh: Bệnh trứng cá

           Sinh bệnh học của trứng cá liên quan đến 4 yếu tố chính là sự tăng tiết chất bã, sừng hóa cổ nang lông tuyến bã, vai trò của vi khuẩn trong nang lông và tình trạng viêm.

  • Sự tăng tiết chất bã: Về mặt sinh lý tuyến bã nhờn tiết ra chất dầu gọi là bã nhờn nhằm bôi trơn tóc và da. Trong bệnh trứng cá, chất bã lại được tiết quá nhiều, gây nên chứng viêm da tiết bã. Hoạt động bài tiết của tuyến bã có liên quan chặt chẽ đến hormon, trong đó quan trọng là hormon sinh dục nam, đặc biệt là testosteron, ngoài ra còn chịu tác động của một số yếu tố: di truyền, thời tiết, stress...
  • Sừng hóa cổ nang lông tuyến bã: Cổ nang lông tuyến bã bị sừng hóa làm hẹp ống bài xuất tuyến bã, chất bã vì thế không thoát ra ngoài được nên ứ đọng lại trong lòng tuyến bã, lâu ngày cô đặc lại thành nhân trứng cá. Môi trường hiếm khí do bít tắc cổ nang lông tạo điều kiện cho các vi khuẩn hiếm khí tăng sinh mạnh, nếu bội nhiễm sẽ gây viêm, có mủ...
  • Vai trò của vi khuẩn trong nang lông: Trong nang lông có Propionibacterium acnes (P.acnes). Vi khuẩn P.acnes có khả năng phân hủy lipid, trong quá trình chuyến hóa sinh ra chất porphurin và giải phóng acid béo tự do gây viêm mạnh.
  • Tình trạng viêm: Sự tham gia của các yếu tố vi khuẩn nhất là P.acnes, bạch cầu, enzym...hình thành phản ứng viêm tạo ra các thương tổn như: sẩn, mụn mủ, cục, nang...

           Ngoài ra còn một số yếu tố liên quan đến bệnh trứng cá thông thường, các yếu tố này làm khởi phát bệnh và cũng có thể làm bệnh nặng thêm: Tuổi, giới, yếu tố nghề nghiệp, yếu tố gia đình, thời tiết, chế độ ăn, các bệnh nội tiết, thuốc, stress, vệ sinh da mặt, nặn mụn không đúng phương pháp và lạm dụng mỹ phâm đều gây ảnh hưởng đến bệnh trứng cá.

Ảnh: Cơ chế mụn trứng cá

           Dựa trên hình thái lâm sàng, thương tổn của bệnh trứng cá chia ra làm 2 loại: thương tổn không viêm và thương tổn viêm.

  • Thương tổn không viêm được hình thành sớm gồm các hình thái: Vi nhân trứng cá, mụn đầu trắng, mụn đầu đen.
  • Thương tổn viêm tùy thuộc vào tình trạng viêm nhiễm, trên lâm sàng biểu hiện nhiều hình thái khác nhau: sẩn đỏ, mụn mủ, cục, nang...Thứ phát sau các tổn thương trên là sẹo, dát đỏ, dát thâm. Nếu tổn thương viêm nhiễm sâu sẽ để lại sẹo, có thể sẹo lõm, sẹo lồi hoặc sẹo quá phát.

           Bệnh trứng cá tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng diễn biến thường kéo dài, lúc tăng lúc giảm, vị trí thương tổn ở vùng mặt là chủ yếu kèm theo một số di chứng có thể tồn tại suốt đời và gây trở ngại đến thẩm mỹ và tâm lý người bệnh. Điều trị trứng cá là một quá trình liên tục với mục đích loại bỏ hoàn toàn bệnh và ngăn chặn những đợt bệnh trứng cá mới. Những ảnh hưởng do bệnh gây ra cần được điều trị và cải thiện theo thời gian. Khi bị bệnh trứng cá người bệnh phải kiên trì điều trị. Tùy thuộc vào mức độ bệnh lý và tình trạng nhạy cảm da từng bệnh nhân qua thăm khám trực tiếp mà bác sỹ chuyên khoa sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp thậm trí phối hợp nhiều phương pháp điều trị trên một bệnh nhân. Sau khi điều trị loại bỏ hết mụn cần điều trị duy trì tránh mụn trứng cá tái phát.

           Trên đây là những kiến thức cơ bản về Bệnh trứng cá mọi người cần biết để có hướng điều trị cho phù hợp. Nếu có thắc mắc về bệnh trứng cá cần tư vấn vui lòng liên hệ Phòng khám Da liễu – Bệnh viện Nam Thăng Long để được giải đáp.

Bệnh viện Nam Thăng Long

Địa chỉ: Số 38 Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Website: http://benhviennamthanglong.vn/

Fanfage: https://www.facebook.com/BenhvienNamThangLong/

Ths.Bs Nguyễn Thị Nhật Lệ

Tìm kiếm
Giờ làm việc
- Trực cấp cứu 24/24h tất cả các ngày trong tuần từ thứ hai đến chủ nhật kể cả ngày lễ tết.
- Khám chữa bệnh các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ 6
Mùa hè:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h30’-17h00’
Mùa Đông:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h00’-16h30’

Xem chi tiết khám ngoài giờ

Đang online: 2
Truy cập hôm nay: 113
Tổng số truy cập: 171502
Tắt [X]