Cấp cứu: 024 3838 6009 - Hotline: 0886568115 - Địa chỉ: 38, Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội


[rev_slider home1slider]

BỆNH BẠCH HẦU VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

2024-07-10

BỆNH BẠCH HẦU VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính làm xuất hiện giả mạc dày dai, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản. Bệnh còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác (kết mạc mắt, bộ phận sinh dục,…).

Vi khuẩn bạch hầu trú ngụ ở các giả mạc tiết ra ngoại độc tố khiến người bệnh bị suy hô hấp và tuần hoàn, liệt màn khẩu cái làm giọng nói bị thay đổi, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn; trường hợp nặng người bệnh rơi vào hôn mê và tử vong. Một số trường hợp gây biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên. Theo WHO, bạch hầu là bệnh có tỷ lệ tử vong lên đến 20%, trong đó tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ, trẻ thanh thiếu niên ngày càng tăng

Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan. Chúng lây theo đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho… giọt bắn có chứa vi khuẩn hòa vào không khí, người khỏe mạnh hít phải, nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu sẽ mắc bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 2 – 5 ngày hoặc hơn kể từ khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Ở nước ta, nhờ thực hiện tốt việc đưa vắc xin Bạch hầu vào chương trình Tiêm chủng mở rộng tiêm cho trẻ em nên tỷ lệ mắc bệnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu thấp. Trẻ em < 5 tuổi, người lớn > 40 tuổi, người bị rối loạn miễn dịch, sống chung môi trường đông đúc, chật hẹp, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đều là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.

Dịch tễ học bệnh bạch hầu tại Việt Nam

Mặc dù bệnh bạch hầu đã được đưa vào tiêm chủng quốc gia từ năm 1981 và duy trì đến nay nhưng tỷ lệ mắc bệnh vẫn xuất hiện và gia tăng trong những năm gần đây. Năm 2020 : 226 ca, chủ yếu ở các tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam trung Bộ; năm 2021: 06 ca; năm 2022: 02 ca; năm 2023 tỷ lệ mắc bệnh tăng đột biến: 57 ca và đã có 07 ca tử vong, chiếm 12,3%. 06 thắng đầu năm 2024 cả nước đã ghi nhận 05 trường hợp mắc trong đó có 01 ca tử vong

Triệu chứng bệnh bạch hầu

    

Ảnh minh họa

Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng bệnh bạch hầu điển hình như sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, đau họng dẫn đến chán ăn. Sau khoảng 2 đến 3 ngày, xuất hiện giả mạc màu trắng ngà, dày dai, bám chặt vào mặt sau hoặc lan rộng hai bên thành họng, dễ chảy máu. Đây là một trong những triệu chứng phổ biến, dễ nhận biết của bệnh. Bệnh có thể điều trị qua khỏi hoặc có thể gây tử vong chỉ trong 6 – 10 ngày. Tỷ lệ tử vong do bệnh trung bình khoảng 5 – 10%.

Bệnh bạch hầu có lây không?

CÓ! Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây lan với nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là qua đường hô hấp. Người bệnh hoặc người lành mang mầm bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi,… lúc này giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu hòa vào không khí, người khỏe mạnh vô tình hít phải sẽ nhiễm bệnh nếu chưa có miễn dịch chống lại. Ngoài ra, bạch hầu còn lây gián tiếp khi người khỏe tiếp xúc với các đồ vật có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn chứa vi khuẩn bạch hầu.

Các biến chứng của bệnh bạch hầu

Các biến chứng bệnh bạch hầu vô cùng nguy hiểm, nếu không xử trí và điều trị kịp thời khi phát hiện những biểu hiện của bệnh thì có thể dẫn đến tử vong rất nhanh chỉ trong 6-10 ngày.

1. Đường hô hấp tắc nghẽn gây khó thở

Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp giả mạc màu trắng ngà do các mô tế bào bị viêm tạo ra lớp màng giả mạc bám chặt vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, mảng giả mạc này sẽ phát triển và lan rộng lấp đường hô hấp gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh.

2. Viêm cơ tim

Là một trong những biến chứng đặc biệt nghiêm trọng của bệnh bạch hầu. Ngoại độc tố bạch hầu tiết ra làm ảnh hưởng đến tim, gây ra rối loạn nhịp tim và có thể tử vong đột ngột do trụy tim. Biến chứng viêm cơ tim thường xảy ra khi người bệnh ở giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi khỏi bệnh.

3. Tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt

Độc tố bạch hầu rất mạnh, chúng còn làm tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt. Biến chứng này có thể xảy ra khoảng vài tuần sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh bạch hầu.

4. Liệt màn khẩu cái (màn hầu)

Liệt màn khẩu cái thường xuất hiện vào tuần thứ 3 của bệnh, đây cũng là một trong những biến chứng khác có thể gặp khi mắc bạch hầu.

5. Bàng quang mất kiểm soát

Người bệnh có thể sẽ không thể kiểm soát được hoạt động của bàng quang khiến đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt,…

6. Cơ hoành bị tê liệt

Biến chứng tê liệt cơ hoành thường xuất hiện vài tuần sau khi có triệu chứng mắc bệnh bạch hầu, ngay cả khi người bệnh đã phục hồi sau nhiễm trùng ban đầu hoặc xuất hiện sau các biến chứng nhiễm trùng phổi, viêm cơ tim

7. Nhiễm trùng phổi (suy hô hấp hoặc viêm phổi)

Biến chứng này có thể xảy vào tuần thứ 5 của bệnh khiến liệt chi, cơ hoành và các dây thần kinh vận nhãn. Cơ hoành được biết đến với vai trò đặc biệt quan trọng đối với hệ hô hấp, do đó khi bộ phận này bị liệt, người bệnh sẽ gặp phải các biểu hiện khó thở, ngạt thở thường xuyên hơn, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi (viêm phổi hoặc suy hô hấp).

8. Tử vong

Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, ngay cả khi được điều trị kịp thời, vẫn có khoảng 1/10 bệnh nhân tử vong về căn bệnh này.

Chẩn đoán bệnh bạch hầu

Soi kính hiển vi là một trong những phương pháp chẩn đoán thông thường mà bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh. Thông qua tiêu bản nhuộm Gram được nhìn dưới kính hiển vi, nếu tiêu bản cho kết quả là vi khuẩn bắt màu Gram dương, hai đầu to, hoặc nhuộm Albert, trực khuẩn bắt màu xanh thì bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu.

Ngoài ra, còn có phương pháp phân lập vi khuẩn trong môi trường đặc hiệu. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là chậm có kết quả. Do đó, ngay khi có bất cứ triệu chứng nào, người bệnh cần khẩn trương đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu hiện nay đã có thuốc điều trị. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển bệnh vẫn gây nguy hiểm tới tim, thận và hệ thần kinh bất cứ lúc nào, do đó, người bệnh cần thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị máy móc hiện đại để nhanh phục hồi và giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên người bệnh có thể tiêm các loại vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu, vừa phòng được bệnh bạch hầu vừa phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm khác chỉ trong một mũi tiêm.

Phụ huynh cần cho con tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Đồng thời thực hiện các mũi tiêm nhắc lúc trẻ 16-18 tháng tuổi; 4-7 tuổi; 9-15 tuổi vì lúc này khả năng bảo vệ của vắc xin bạch hầu suy giảm theo thời gian, việc tiêm mũi nhắc là rất cần thiết. Theo đó, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu như phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người già trên 50 tuổi; người mắc bệnh mạn tính… cũng cần tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Vắc xin phòng bạch hầu hiện có trong tất cả các vắc xin phối hợp như vắc xin phối hợp 3 trong 1; vắc xin phối hợp 4 trong 1; vắc xin phối hợp 5 trong 1; vắc xin phối hợp 6 trong 1. Trong đó, vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 2 tuổi. Vắc xin 4 trong 1 được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 7 tuổi. Vắc xin 3 trong 1 được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Và vắc xin phòng ngừa bạch hầu, uốn ván có thể tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến người lớn.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần chú ý:

  • Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
  • Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
  • Với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.

Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan rất nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm vắc xin đủ liều, đúng lịch.

Người dân khi có triệu chứng: sốt, ho, đau họng,.. hãy đến bệnh viện Nam Thăng long để được khám và điều trị ngay, tránh những biến chứng nguy hiểm và hệ lụy đáng tiếc về sau. Hotline Liên hệ đăng ký khám và tư vấn: 088 6568115

BS. Vũ Hiên

Tìm kiếm
--------->
Giờ làm việc
- Trực cấp cứu 24/24h tất cả các ngày trong tuần từ thứ hai đến chủ nhật kể cả ngày lễ tết.
- Khám chữa bệnh các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ 6
Mùa hè:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h30’-17h00’
Mùa Đông:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h00’-16h30’

Xem chi tiết khám ngoài giờ

Đang online: 72
Truy cập hôm nay: 71
Tổng số truy cập: 5903
Tắt [X]