Cấp cứu: 024 3838 6009 - Hotline: 0886568115 - Địa chỉ: 38, Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội


[rev_slider home1slider]

Viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ

2018-01-29

          Bệnh viêm da cơ địa (Atopic Dermatatis) hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema...là một bệnh da thường gặp hay tái phát. Đa số trường hợp bệnh bắt đầu sớm, có thể từ thời điểm 2 tháng tuổi. Khoảng 20% trẻ dưới 5 tuổi bị viêm da cơ địa với các triệu chứng điển hình là những đám da đỏ, khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý “ngứa-gãi’ làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng.

         Nguyên nhân gây bệnh

         Cho đến nay vẫn chưa có nguyên nhân chính xác, theo nghiên cứu bệnh có liên quan tới nhiều yếu tố trong đó chủ yếu vẫn thuốc về cơ địa (gen) cộng với yếu tố môi trường. Nếu trong gia đình có người bị viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen suyễn... thì bé có nguy cơ bị viêm da cơ địa sẽ cao hơn. Tình trạng viêm da cơ địa có thể nặng nề hơn nếu gặp khói thuốc lá, mùi hương, dị ứng với thức ăn, nhạy cảm với quần áo, chất hóa học trong sản phẩm giặt và chăm sóc da, thay đổi nhiệt độ...

         Triệu chứng lâm sàng

         Biểu hiện bệnh khi cấp tính là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vảy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết trợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vảy tiết vàng. Bệnh thường khu trú ở trán, mắt, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.

         Biểu hiện bán cấp với các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch.

         Giai đoạn mạn tính: da dày, thâm, ranh giới rõ, liken hóa, các vết nứt đau là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa, gãi nhiều. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cổ chân.

         Nếu không điều trị bệnh tiến triển trong nhiều tháng, nhiều năm.

         GIỮ DA SẠCH SẼ VÀ ĐỦ ẨM – NGUYÊN TẮC PHÒNG BỆNH QUAN TRỌNG NHẤT

         Khi tổn thương da của bé đỡ, bố mẹ hãy lưu ý luôn giữ cho da bé sạch và đủ ẩm bằng các cách sau:

         Tắm bé hàng ngày nhưng với nước đủ ấm, không tắm nước quá nóng, nước muối, nước lá để không làm khô da bé.

         Tắm không quá 10 phút.

         Sử dụng sữa tắm không có xà phòng, nhẹ dịu, không tạo nhiều bọt, và quan trọng là giữ ẩm, làm giảm các triệu chưng khó chịu cho bé.

         Khi tắm xong nên quấn bé vào khăn ấm và mềm, không chà chỉ nhẹ nhàng thấm nước để da khô.

         Và điều quan trọng nhất VỪA TẮM XONG LÚC DA CÒN HƠI ẨM bôi 1 lớp kem dưỡng ẩm cho bé. Hãy chọn loại không mùi hương, không kích ứng, nhẹ diu cho bé...Ngoài ra, mẹ nên rửa sạch da cho bé nhất là sau khi ăn, sau khi chơi bẩn và bôi kem dưỡng ẩm lên để da bé luôn sạch và có lớp dưỡng ẩm.

         Lưu ý chế độ ăn cho bé

         Viêm da cơ địa không phải là một bệnh dị ứng nhưng một số trường hợp dị ứng thực phẩm có thể làm cho tình trạng chàm của bé nặng hơn. Vì vậy, hãy theo dõi bữa ăn của bé ở nhà, ở trường xem có liên quan đến tình trạng chàm của bé hay không. Một số thức phẩm thường gây dị ứng ở trẻ nhỏ bao gồm trứng, sữa, đậu phồng, đậu nành, lạc, lúa mì, quả óc chó...

         Nếu bé còn bú mẹ, cố gắng cho bé bú nhiều hơn. Nếu bé đã ăn dặm, lưu ý để ý bữa ăn cho bé và nhớ bổ sung cho bé nhiều nước.

         Các em bé ra đời đối với mỗi gia đình luôn luôn là tâm điểm, chỉ cần một vết xây xước thôi cũng đủ làm phiền lòng bố mẹ, vậy mà khi chuyển mùa sang mùa hanh khô, 2 má bé tự nhiên đỏ, khô, ráp và bé thường xuyên dụi tay vào mặt. Đó là lúc bệnh Viêm da cơ địa xuất hiện hay tái phát. Các mẹ bắt dầu lo lắng và tìm thuốc bôi cho con, nêu không đi khám có thể các mẹ sẽ dùng corticoid không phù hợp với tổn thương của bé. Trong lúc bôi bé sẽ đỡ rất nhanh, ngừng thuốc thì bị lại và thậm chí còn nặng hơn trước. Cứ như thế các bé sẽ được dùng nhiều lần corticoid, mà hậu quả với làn da cũng như sức khỏe các bé là điều đã được cảnh báo rộng rãi, và cái chính là tình trạng bệnh vẫn không được xử lý. Bố mẹ chỉ nên sử dụng khi tình trạng viêm da của bé nặng, bôi 1 lớp mỏng và dừng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ khi thấy tổn thương đỡ. Một số loại lá, thuốc bôi ghi là thảo dược, đông y nhưng có thể được trộn corticoid để hiệu quả nên bố mẹ hãy cẩn trọng.

          Bài viết hi vọng sẽ cung cấp thêm các thông tin hữu ích dành cho các bố mẹ có bé bị viêm da cơ địa. Nếu bố mẹ cần thêm thông tin hoặc thấy bé có các biểu hiện bệnh trên vui lòng liên hệ PK Da liễu – Bệnh viện Nam Thăng Long để được tư vấn và điều trị hiệu quả, an toàn cho trẻ.

Ths.Bs.Nguyễn Thị Nhật Lệ

 

 

Tìm kiếm
Giờ làm việc
- Trực cấp cứu 24/24h tất cả các ngày trong tuần từ thứ hai đến chủ nhật kể cả ngày lễ tết.
- Khám chữa bệnh các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ 6
Mùa hè:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h30’-17h00’
Mùa Đông:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h00’-16h30’

Xem chi tiết khám ngoài giờ

Đang online: 1
Truy cập hôm nay: 201
Tổng số truy cập: 169261
Tắt [X]