[rev_slider home1slider]
Hoạt động chuyên môn
TĂNG HUYẾT ÁP: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
TĂNG HUYẾT ÁP: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
1. Tổng quan bệnh Tăng huyết áp
Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch. Huyết áp gồm có hai con số (ví dụ 140/80mmHg, 130/90mmHg). Số cao hơn gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa), số thấp hơn là huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu). Theo khuyến cáo hiện nay của Hội tim mạch Châu Âu và Hội tim mạch Việt Nam, gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg (Hội Tim mạch Hoa Kì coi huyết áp ≥130/80mmHg là tăng huyết áp). Tức là huyết áp bình thường phải nhỏ hơn 140/90mmHg
Tăng huyết áp là bệnh diễn biến thầm lặng qua nhiều năm tháng, đa phần phát hiện tình cờ hoặc chỉ khi bệnh nhân có biến chứng mới được phát hiện. Tăng huyết áp gây ra nhiều hậu quả xấu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy thận…
Tăng huyết áp được chia làm hai thể: tăng huyết áp tiên phát (tăng huyết áp vô căn) và tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp có nguyên nhân). Tăng huyết áp vô căn là thể tăng huyết áp thường gặp nhất, chiếm 90% và không xác định được nguyên nhân gây tăng huyết áp.
2. Nguyên nhân bệnh Tăng huyết áp
Nguyên nhân tăng huyết áp cũng được chia thành hai nhóm:
- Tăng huyết áp vô căn: không xác định được nguyên nhân, Bệnh có tính gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc tình trạng này, đặc biệt khi lớn tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường. Ngoài ra còn có các yếu tố khác dễ đưa đến mắc bệnh cao huyết áp như thói quen ăn mặn (nhiều muối), hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, dư cân hoặc béo phì, ít vận động thể lực, có nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
- Tăng huyết áp thứ phát: các nguyên nhân có thể gặp:
+ Các bệnh lý về thận: viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, sỏi thận, hẹp động mạch thận
+ Các bệnh nội tiết: U tủy thượng thận, Cushing, cường Aldosteron, cường giáp,..
+ Các bệnh lý tim mạch: hở van động mạch chủ (gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc), hẹp eo động mạch chủ (gây tăng huyết áp chi trên), hẹp xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến động mạch thận
+ Do thuốc: cam thảo, thuốc tránh thai, một số thuốc cường giao cảm
- Nguyên nhân khác: ngộ độc thai nghén, rối loạn thần kinh
3. Triệu chứng bệnh Tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì đặc biệt trong một thời gian dài. Đôi khi người bệnh có thể thấy đau đầu, đau ngực, khó thở khi có cơn tăng huyết áp. Hoặc những triệu chứng của tổn thương cơ quan đích: nhìn mờ, đau ngực dữ dội, tiểu máu, liệt nửa người (đột quỵ não)…nhưng khi có những triệu chứng này tiên lượng thường không tốt. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người lớn từ 50 tuổi trở lên cần khám tổng quát và kiểm tra huyết áp định kỳ vì huyết áp có xu hướng tăng dần theo tuổi.
4. Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tăng huyết áp
Để chẩn đoán tăng huyết áp chỉ có cách duy nhất là đo huyết áp. Hiện nay, có 3 cách đo huyết áp để chẩn đoán bệnh gồm:
- Đo huyết tại phòng khám: HA ≥ 140/90 mmHg
- Đo huyết áp tại nhà: HA ≥ 135/85 mmHg
- Máy theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ (máy Holter huyết áp): HA ≥ 130/80 mmHg
ĐO HUYẾT ÁP ĐÚNG CÁCH NHƯ THẾ NÀO?
- Ngồi nghỉ 15 phút trước khi đo.
- Không hút thuốc lá, uống cafe 2 giờ trước khi đo.
- Tư thế đo: nằm trên giường hoặc ngồi dựa lưng vào ghế, hai chân chạm sàn nhà, không bắt chéo chân, tay duỗi thẳng, đặt ngang tim, giữ im lặng trong lúc đo.
- Lần đầu tiên đo huyết áp cả hai tay, tay có mức huyết áp cao hơn được chọn để đo và theo dõi huyết áp những lần sau.
- Mỗi lần đo 2 lượt, cùng một tay, mỗi lượt đo cách nhau 2 phút. Nếu huyết áp tâm thu ở 2 lần đo khác biệt > 10 mmHg, đo thêm lần thứ 3 sau 2 phút nữa. Lấy huyết áp trung bình của 2 lần đo gần nhất.
- Dùng máy đo tự động, loại có băng quấn cánh tay có kích thước phù hợp.
- Người bệnh có thể đo huyết áp buổi sáng hoặc buổi chiều, hoặc khi có triệu chứng gợi ý tăng huyết áp kể trên.
5. Bệnh tăng huyết áp cần làm các xét nghiệm
Đối với người bệnh tăng huyết áp cần làm 2 nhóm xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm tìm nguyên nhân khiến cho huyết áp tăng cao: siêu âm ổ bụng, siêu âm đông mạch thận, siêu âm động mạch chủ, xét nghiệm chức năng thận, xét nghiệm hormone nội tiết (tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận)..
- Xét nghiệm đánh giá ảnh hưởng của huyết áp lên các cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, não, thận và mắt: đo điện tim, siêu âm tim, chụp võng mạc,..
6. Biến chứng bệnh tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về sau. Các biến chứng thường gặp bao gồm:
- Biến chứng ở tim: nhồi máu cơ tim, suy tim, suy tim mất bù, rung nhĩ,…
- Biến chứng ở não: nhồi máu não, xuất huyết não, suy giảm trí nhớ,..
- Biến chứng ở thận: suy thận ở nhiều mức độ khác nhau, nặng nhất là diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận (ghép thận hoặc chạy thận định kỳ)
- Biến đổi mạch máu ở đáy mắt do huyết áp cao, có thể gây xuất huyết, phù nề mạch máu võng mạc, nghiêm trọng hơn là gây mù
- Bệnh động mạch ngoại biên hai chân: do xơ vữa mạch máu gây hẹp hoặc tắc mạch máu nhỏ ở hai chân, gây đau chân khi đi lại, nặng hơn là loét, hoại tử phải cắt chi gây tàn phế
- Rối loạn cương dương: thường gặp, đặc biệt nếu có kèm đái tháo đường, hút thuốc lá.
7. Phương pháp điều trị tăng huyết áp
Điều trị bệnh tăng huyết áp cần phối hợp giữa điều chỉnh lối sống với thuốc hạ huyết áp, giúp người bệnh dễ dàng kiểm soát huyết áp. Mức huyết áp mục tiêu cần đạt được là 130/80 mmHg hoặc thấp hơn tùy theo bệnh lý đi kèm hoặc đặc điểm riêng của từng người.
- Điều trị không dùng thuốc: điều chỉnh lối sống, tập thể dục, giảm cân, thay đổi chế độ ăn (giảm muối, giảm mỡ béo), bỏ các thuốc gây cao huyết áp (thuốc kháng viêm, giảm đau nhức), thư giãn, giảm căng thẳng giúp hạ huyết áp tự nhiên
- Thuốc hạ huyết áp: 5 nhóm thuốc cơ bản (thuốc ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin 2, ức chế calci, lợi tiểu, chẹn bêta). Chọn lựa và phối hợp thuốc tùy theo đặc điểm của từng bệnh nhân.
- Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Nếu nghi ngờ tác dụng phụ do thuốc gây ra, đừng bỏ thuốc ngay mà hãy trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu lý do và điều chỉnh thuốc thích hợp. Việc tuân thủ điều trị giúp người bệnh phòng tránh được các biến chứng lâu dài của bệnh.
8. Phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
Để phòng ngừa tăng huyết áp mọi người nên thực hiện lối sống tốt cho sức khỏe từ sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy duy trì cân nặng lý tưởng, tập thể dục đều đặn, chế độ ăn dành cho người tăng huyết áp:
- Chế độ ăn lành mạnh: ít chất béo; ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo, ăn cá, thịt gia cầm loại bỏ da… Giảm lượng muối ăn vào, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần, tăng cường vận động thể lực, chơi thể thao. Việc tập luyện thể dục giúp giảm huyết áp, giảm cân hoặc giữ cho bạn cân nặng phù hợp, và giảm stress
- Kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu dư cân
- Hạn chế uống rượu bia
- Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc
- Cân bằng cuộc sống, tránh căng thẳng
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những mối nguy cơ có thể điều chỉnh được.
Hiện tai, bệnh viện Nam Thăng Long đang quản lý và điều trị ngoại trú hơn 230 bệnh nhân tăng huyết áp giúp họ có sức khỏe tốt và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, nếu bạn có các dấu hiệu của tăng huyết áp, hãy đến bệnh viện Nam Thăng Long với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, nhiệt tình, tận tâm luôn hướng tới sự hài lòng của quý khách hàng với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp.
Để đặt lịch khám Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 088 6568115
BS Thu Yến – Khoa Nội Tổng Hợp
Tin tức khác cùng chuyên mục
- Khám chữa bệnh các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ 6
Mùa hè:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h30’-17h00’
Mùa Đông:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h00’-16h30’
Đang online: 20
Truy cập hôm nay: 101
Tổng số truy cập: 203116