[rev_slider home1slider]
Hoạt động chuyên môn
Xử trí vết thương bàn tay chưa bao giờ là dễ
Bàn tay là một bộ phận quan trọng của cơ thể con người, nhờ có bàn tay mà con người sử dụng được các công cụ trong lao động, sinh hoạt từ công cụ đơn giản đến công cụ phức tạp. Và vì thế mà trong lao động sản xuất cũng như trong chiến đấu, tỷ lệ vết thương bàn tay khá cao.
- Về mặt giải phẫu: Bàn tay có cấu trúc tinh vi phức tạp, trong một thể tích hẹp chứa đựng nhiều cơ quan tổ chức quý là da, gân, cơ, mạch máu, thần kinh…
- Về mặt sinh lý, bàn tay có 2 chức năng chính là cầm nắm và sờ mó. Hai chức năng này có quan hệ mật thiết với nhau và luôn bổ sung cho nhau.
Vết thương bàn tay có thương tổn phức tạp vì cùng một lúc, cùng vị trí có thể có nhiều thương tổn da, mạch máu, thần kinh, gân, xương. Trong vết thương bàn tay, ngoài triệu chứng khách quan của thương tổn mà ta thấy ngay, cần chú ý khám xét tỷ mỉ, chính xác từng ngón tay, lưu ý tới tiền sử bệnh sử, nguyên nhân và các triệu chứng chủ quan. Đặc biệt, có nhiều trường hợp phải thông qua phẫu thuật mới xác định chính xác các thương tổn. Vết thương bàn tay dễ bị nhiễm trùng vì đa số các trường hợp bị thương đều ở trong tình trạng đang làm việc.
Điều trị vết thương bàn tay
Công tác điều trị rất khó khăn do thương tổn phức tạp, dễ bị nhiễm khuẩn và cùng một lúc phải điều trị nhiều thương tổn (mạch máu, thần kinh, gân, xương, da) để phục hồi cả cơ năng và giải phẫu.
Cắt lọc vết thương triệt để và sớm là phương pháp chủ động và tích cực nhất đưa lại hiệu quả tốt nhất trong chống nhiễm trùng. Khi cắt lọc ta cần lấy bỏ hết dị vật có thể lấy được và cố gắng tiết kiệm da. Nếu các thương tổn ở ngón tay cần cố gắng bảo tồn tối đa, đặc biệt ngón 1 và 2 tìm mọi cách để giữ được độ dài của ngón và da ở phía gan bàn tay. Để chống nhiễm khuẩn thường dùng kháng sinh toàn thân – phối hợp – liều cao.
Chống phù nề và chống dính sau mổ: Các vết thương bàn tay sau mổ thường bị phù nề, nếu vết thương bàn tay gây nề kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến phục hồi chức năng. Để chống phù nề tốt ta cần phải bất động. Treo cao tay và tập vận động sớm các ngón không bị thương tổn.
Xử trí 1 lần tất cả các thương tổn tạo điều kiện cho bệnh nhân tập phục hồi chức năng sớm.
Xử trí vết thương bàn tay trong cấp cứu
Thời điểm cắt lọc vết thương bàn tay: Về nguyên tắc, ta chỉ được cắt lọc vết thương và khâu kín trong 6-8 giờ đầu. Tuy nhiên nếu các trường hợp sau 10 – 12 giờ mà vết thương gọn vẫn sạch, hoặc bệnh nhân đã dùng kháng sinh trước rồi thì ta vẫn có thể cắt lọc vết thương và khâu kín. Nếu vết thương bẩn, tổ chức phần mềm giập nát nhiều và lại đến muộn sau 12 giờ thì sau khi cắt lọc vết thương ,ta không nên khâu kín.
Nguyên tắc cắt lọc vết thương
- Phải mổ sớm trong điều kiện cấp cứu.
- Mổ cắt lọc vết thương trong điều kiện vô trùng triệt để.
- Cắt lọc vết thương bàn ngón tay phải làm nhẹ nhàng tránh làm giập nát tổn thương thêm tổ chức lành xung quanh.
- Sau khi cắt lọc vết thương phải đặt dẫn lưu.
- Các trường hợp lóc da toàn bộ ở gan tay hay mu tay. Nếu còn cuống ta cắt lọc sạch vạt da bị lóc, rửa huyết thanh ấm. Rạch mát lưới khâu và băng ép. Trường hợp mất hoàn toàn phải dùng những vạt bụng, vạt bẹn để che phủ.
Thương tổn mạch máu: Có thể gặp vết thương bàn tay có thương tổn cung động mạch gan tay nông, cung động mạch gan tay sâu, động mạch ngón tay…
- Khi thương tổn động mạch nuôi ngón cái 2 bên ta cần chủ động nối sớm bằng kỹ thuật vi phẫu.
- Khi đứt động mạch ở vùng cổ tay: nếu đứt 1 trong 2 động mạch thì có thể thắt được. Nếu đứt cả 2 thì phải khâu nối cả 2 hoặc 1 trong 2.
Thương tổn thần kinh: Tuỳ theo thương tổn mà có hướng xử trí phù hợp khi đứt các nhánh thần kinh ở vùng cổ tay, ví dụ đứt thần kinh giữa hay thần kinh trụ quay ta nên nối ngay cho bệnh nhân (khâu từ bó hay khâu nối bao là tuỳ khả năng của phẫu thuật viên…). Nếu thần kinh đứt không thể ráp nối lại để khâu thì để lại sau này ghép thần kinh sau 3-4 tuần.
Thương tổn gân gấp: Khâu nối gân bằng chỉ nhỏ ít kích thích nhưng lại bền để bệnh nhân có thể tập sớm mà không lo đứt chỉ. Sau khâu nối phải bất động chi ở tư thế trùng gân trong 3 tuần. Trong trường hợp vết thương gọn sạch, ở ngoài vùng cấm, có thể cắt lọc vết thương, và áp khít 2 đầu gân, khâu nối tân tận và bất động ở tư thế trùng gân.
Thương tổn gân duỗi: Vết thương đứt gân duỗi sau khi cắt lọc có thể khâu nối kỳ đầu, khâu nối tân tận và bất động ở tư thế trùng gân, hoặc khâu theo phương pháp khâu hình số 8 giữa da và gân hoặc khâu theo phương pháp của Iselin, bất động ở tư thế duỗi. Khi đứt gân duỗi ngón ở sát điểm bám tận ta chỉ cần bất động ngón ở tư thế duỗi tối đa trong 3 tuần.
Ngày 24/06/2021 bệnh viện Nam Thăng Long tiếp nhận bệnh nhân V. T. Th (62 tuổi) bị tai nạn do kẹp bàn tay vào máy ép nước mía. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc chấn thương do vết thương dập nát bàn tay phải. Sau khi cấp cứu bệnh nhân, thăm khám kỹ tình trạng tổn thương. Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết, chụp X-Quang cấp cứu. Bệnh nhân được đưa lên phòng mổ. Xét thấy không thể bảo tồn được các ngón tay, phần bàn tay còn lại đã mất toàn bộ da che phủ cả phần mu tay và bàn tay, các bác sỹ đã quyết định phẫu thuật cắt cụt các ngón tay và phần mềm dập nát, giữ lại phần bàn tay. Tuy nhiên do phần bàn tay cũng tổn thương dập nát và không có da che phủ do vậy bệnh nhân phải điều trị qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Phẫu thuật cắt lọc tổ chức dập nát, xử lý thần kinh, mạch máu và gân, khâu che phủ mỏm cụt xương bàn tay:
Giai đoạn 2: Hút áp lực âm liên tục (VAC) sau cuộc mổ cấp cứu từ ngày thứ 5, hút trong 7 ngày với áp lực 110mmHg:
Giai đoạn 3: Vá da dầy che phủ vùng khuyết da gan tay và mu tay, da tự thân được lấy ở 2 bên mặt trước đùi của bệnh nhân:
Kết quả sau 7 ngày vá da:
Kết quả sau 10 ngày vá da:
Vết thương vùng lấy da:
Tổng thời gian bệnh nhân điều trị tại viện là 20 ngày, sự phục hồi bàn tay giữ được là tối đa. Bệnh nhân vẫn sử dụng bàn tay phải còn lại giúp bàn tay trái trong công việc gia đình.
ThS. Bs Vũ Giang An – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện cho biết: “Đa số những trường hợp tai nạn cho tay vào máy xay hoa quả hay máy xay thịt, cá, hay máy tời vải, máy giặt… đều gặp tổn thương phức tạp do bị nghiền nát nên phần lớn không cứu được toàn vẹn bàn tay. Do đó, mọi người cần có biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Nếu không may gặp tai nạn không nên cố gắng kéo tay ra mà phải nhanh chóng đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được bác sĩ cấp cứu và xử trí kịp thời"
ThS. BS Vũ Giang An - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình
Tin tức khác cùng chuyên mục
- Khám chữa bệnh các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ 6
Mùa hè:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h30’-17h00’
Mùa Đông:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h00’-16h30’
Đang online: 5
Truy cập hôm nay: 124
Tổng số truy cập: 2136