Cấp cứu: 024 3838 6009 - Hotline: 0886568115 - Địa chỉ: 38, Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội


[rev_slider home1slider]

Những điều cần biết về tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ

2020-06-25

         Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tử vong ở trẻ em đặc biệt là ở nước ta. Hàng năm trên thế giới có có khoảng 4 – 5triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì bệnh tiêu chảy trong đó 80% là trẻ em dưới 2 tuổi.

         Tiêu chảy còn là một nguyên nhân chính gây bệnh suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.

         1. Thế nào là tiêu chảy cấp?

- Tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong 24h.

- Tiêu chảy cấp là tiêu chảy khởi đầu cấp tính, kéo dài dưới 14 ngày (thường là 7 ngày).

         Tuy nhiên, do đặc điểm riêng biệt , định nghĩa này ở trẻ không hoàn toàn đúng:

- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 6 tháng, có thể có tần suất đi ngoài nhiều lần trong ngày, trung bình từ 3 – 10 lần/ ngày. Phân của trẻ nhìn có thể sệt, lỏng, nhiều màu vàng, xanh, hoặc nâu.

- Trẻ bú sữa mẹ có thể dễ sản xuất phân nhiều lần hơn và phân có nước nhiều hơn so với trẻ uống sữa công thức. Trẻ từ 1 tuổi trở lên, thông thường có khoảng 1 – 2 lần đi tiêu một ngày.

         2. Nhận biết và chẩn đoán tiêu chảy cấp ở trẻ em khi nào?

- Ở trẻ dưới 1 tuổi, tiêu chảy được định nghĩa khi trẻ đi tiêu gấp đôi số lần đi tiêu bình thường.

- Đối với trẻ trên 1 tuổi, là khi trẻ đi tiêu phân lỏng nước từ 3 lần một ngày trở lên.

         Ngoài ra, trẻ còn kèm theo các triệu chứng khác như mệt, quấy khóc, sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng...

         3. Những nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ?

-  Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bàn tay, thức ăn nhiễm mầm bệnh không kiểm soát được đưa vào cơ thể trẻ gây tiêu chảy.

- Lứa tuổi dễ mắc tiêu chảy cấp: trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ 6 – 11 tháng tuổi.

- Trẻ bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch sau mắc sởi dễ bị nhiễm bệnh hơn.

- Yếu tố khí hậu:

  • Trong các đợt nắng nóng, tác nhân gây tiêu chảy cấp thường là vi khuẩn.
  • Vào các mùa khô lạnh, nguyên nhân gây tiêu chảy chủ yếu là do virus mà hay gặp nhất là Rotavirus.

- Một số tập quán, sinh hoạt làm tăng nguy cơ mắc tiêu chảy: bú bình, ăn sam không đúng cách, nước uống nhiễm bệnh, xử lý chất thải không hợp vệ sinh.

         4. Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà?

         Khuyến cáo: nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy cấp hãy cho tới bệnh viện thăm khám ngay vì trẻ tuổi này rất dễ bị mất nước và trở nặng bệnh mà người nhà có thể không nhận biết được.

         Bù dịch cho trẻ 

– Với trẻ bú mẹ, cho trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn sau mỗi lần bú. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, nên cho trẻ uống thêm dung dịch ORS sau mỗi lần bú.

 – Nếu trẻ lớn hoặc trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dung dịch:

        ORS lựa chọn hàng đầu để bù dịch cho trẻ tiêu chảy tại nhà: các gói oresol có thể mua được tại hầu hết các nhà thuốc, hiện tại trên thị trường có 2 loại ORS :

  • ORS chuẩn cũ (ORS 27.9)
  • ORS áp lực thẩm thấu thấp (ORS 245) – Hiện tại được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng ưu tiên.

      2 loại này đều được sử dụng cho trẻ. Pha 1 gói ORS với 1 lít nước sử dụng trong ngày.

         Các loại dịch thay thế: (Chỉ áp dụng dung dịch thay thế khi KHÔNG có Oresol vì trẻ càng nhỏ, nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải càng cao khi sử dụng dung dịch tự pha chế tại nhà).

- Nước cháo muối: Cho 1 nắm gạo (50gr) + 1 nhúm muối (3,5gr) + 6 bát nước đun sôi cho khi hạt gạo nở tung ra (15 phút), chắt ra được 1 lít nước cháo cho uống. Nước cháo đã pha chỉ dùng trong ngày (tốt nhất  dùng trong 6 giờ).

- Nước canh, súp rau quả, súp thịt.

- Nếu không có, có thể cho trẻ uống: nước đun sôi để nguội, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường.

- Không dùng nước uống có đường: nước trà đường, nước trái cây công nghiệp, nước có gas…, các thức uống này làm nặng hơn tình trạng tiêu chảy của trẻ.

- Lượng dịch cần uống: Nguyên tắc chung là cho trẻ uống tùy theo trẻ muốn cho tới khi ngừng tiêu chảy. Tuy vậy, một số trẻ còn nhỏ cần sự giúp đỡ của bố mẹ để bù đủ lượng dịch cần thiết:

+ trẻ < 2 tuổi: 50 – 100ml sau mỗi lần đi ngoài

+ trẻ 2-10 tuổi: 100 – 200 ml sau mỗi lần đi ngoài

+ trẻ lớn: uống theo nhu cầu.

- Cách cho uống:

+ Trẻ < 2 tuổi, cho uống từng thìa, trẻ lớn cho uống từng ngụm một bằng cốc hoặc bằng bát.

             + Trẻ bị nôn, dừng lại đợi 5 – 10 phút sau lại tiếp tục cho uống.

          Dinh dưỡng cho trẻ tiêu chảy cấp

         Trẻ em bị tiêu chảy và chưa mất nước nên tiếp tục ăn một chế độ ăn bình thường, đầy đủ chất dinh dưỡng. Tâm lý các bà mẹ thường không cho trẻ ăn hoặc hạn chế cho trẻ ăn dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng, càng làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy. Vì vậy, không nên hạn chế trẻ ăn và không nên pha loãng thức ăn.

         Khi hết tiêu chảy, nên cho trẻ ăn thêm ngày một bữa (ngoài các bữa chính) trong 2 tuần.

         Những thức ăn nên tránh :

+ Nước cháo loãng chỉ có tác dụng bù nước, làm cho trẻ có cảm giác no mà không đủ các chất dinh dưỡng.

+ Thức ăn chứa quá nhiều đường sẽ làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn.

         Bổ sung kẽm cho trẻ:

         Trẻ cần được bổ sung kẽm ngay khi tiêu chảy mới bắt đầu; nên cho trẻ uống kẽm lúc đói:

               + Trẻ < 6 tháng tuổi: 10mg/ngày x 10 – 14 ngày

                + Trẻ > 6 tháng tuổi: 20 mg/ngày x 10 – 14 ngày

         5. Khi nào cần đưa trẻ đi viện?

          Đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có một trong các biểu hiện sau:

  • Đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng (đi liên tục)
  • Nôn liên tục
  • Trẻ rất khát, môi khô, khóc không có nước mắt
  • Ăn uống kém hoặc bỏ bú
  • Sốt cao hơn
  • Có máu trong phân
  • Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị

         6. Phòng bệnh tiêu chảy cấp như thế nào?

–  Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

–  Sử dụng vaccine phòng bệnh:

+ Tiêm phòng đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

                    + Phòng đặc hiệu tiêu chảy bằng vaccin: Rotavirus, tả, thương hàn.

– Cho ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi, chỉ ăn bổ sung sau 4 tháng tuổi nếu trẻ phát triển kém. Lựa chọn thức ăn bổ sung theo các thực phẩm sẵn có tại địa phương theo ô vuông thức ăn.

– Sử dụng nguồn nước sạch cho vệ sinh và ăn uống.

– Thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến hoặc bảo quản thức ăn.

– Rửa tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ: trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi cho trẻ ăn; sau khi đi ngoài, vệ sinh cho trẻ sau khi trẻ đi ngoài hoặc dọn phân cho trẻ.

– Sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

Bác sĩ Vũ Thị Giang –  Khoa Nhi

Tìm kiếm
--------->
Giờ làm việc
- Trực cấp cứu 24/24h tất cả các ngày trong tuần từ thứ hai đến chủ nhật kể cả ngày lễ tết.
- Khám chữa bệnh các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ 6
Mùa hè:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h30’-17h00’
Mùa Đông:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h00’-16h30’

Xem chi tiết khám ngoài giờ

Đang online: 6
Truy cập hôm nay: 94
Tổng số truy cập: 2106
Tắt [X]