[rev_slider home1slider]
Hoạt động chuyên môn
Những điều cần biết về bệnh tuyến giáp
Bệnh lý tuyến giáp là một trong những bệnh lý khá thường gặp trong cộng đồng, khoảng 20% đến 70% tỉ lệ dân số mắc bệnh tùy theo lứa tuổi và giới tính ( hay gặp nhất ở lứa tuổi 35 - 55 và tỉ lệ nữ nhiều hơn nam gấp 5 lần). Cùng bệnh viện Nam Thăng Long tìm hiểu những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây để phòng ngừa và bảo vệ bản thân nhé.
Tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến có chức năng nội tiết nằm ở vùng cổ trước. Tuyến tiết ra các hoocmon T3, T4 tham gia điều tiết hoạt động của các cơ quan khác như: tim mạch, thần kinh, nội tiết,… để đảm bảo chức năng sống cơ bản của cơ thể.
Bệnh tuyến giáp có thể là tình trạng rối loạn về cấu trúc hoặc chức năng của tuyến hoặc kết hợp cả hai. Hầu hết các bệnh lý của tuyến giáp đều làm tuyến giáp to ra - gọi là bướu giáp. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp (mang thai, cho con bú) có tuyến giáp to nhưng không phải là bệnh, mà gọi là tuyến giáp to sinh lý.
Các bệnh tuyến giáp được phân loại như sau:
- Bướu giáp không có rối loạn chức năng được gọi là bệnh bướu giáp đơn thuần. Trong đó, có bướu giáp nhân (khi có một nhân), bướu giáp đa nhân (nhiều nhân) và bướu giáp lan tỏa (khi không có nhân).
- Bệnh bướu giáp có cường chức năng, hay gặp nhất là bệnh Basedow với triệu chứng điển hình là bướu giáp lan tỏa, mạch nhanh, mắt lồi và run tay…
- Các bệnh bướu giáp có nhược chức năng.
- Bệnh viêm tuyến giáp.
- Bệnh ung thư tuyến giáp.
Nguyên nhân của bệnh tuyến giáp là gì?
Các yếu tố sau liên quan đến các bệnh của tuyến giáp như:
- Tình trạng thiếu hụt i ốt: do thức ăn, nguồn nước, do bệnh lý.
- Chấn thương tinh thần: căng thẳng quá mức (stress), mang thai, sau sinh.
- Rối loạn đáp ứng tự miễn dịch, nội tiết.
- Yếu tố gia đình, bẩm sinh, cơ địa (yếu tố di truyền).
- Lứa tuổi, giới tính (nữ mắc nhiều hơn nam).
- Tình trạng cung cấp thừa i ốt: trong thức ăn, hoặc các thuốc điều trị.
Vậy làm thế nào để biết mình có bị mắc bệnh lý tuyến giáp hay không?
Đa số các bướu nhân tuyến giáp thường không có triệu chứng lâm sàng, người bệnh thường phát hiện tình cờ khi khám vì bệnh khác hoặc khám sức khỏe siêu âm tuyến giáp phát hiện .Người bệnh có thế có các triệu chứng do nhân tuyến giáp to như: phát hiện vùng cổ to ra hoặc khối ở vùng cổ phát hiện khi soi gương hoặc khi cài cúc cổ áo, cảm giác nuốt nghẹn, khó thở, nói khàn…
Một số trường hợp, người bệnh có biểu hiện rối loạn chức năng tuyến giáp như: run tay, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, lo âu, gầy sút cân… đặc biệt hay gặp trong bệnh Basedow với bướu giáp to lan tỏa cả 2 bên.
Tuy nhiên để chẩn đoán xác định bệnh lý bướu giáp, người bệnh cần phải làm các cận lâm sàng sau:
- Siêu âm tuyến giáp: giúp đánh giá đầy đủ đặc điểm của nhân tuyến giáp: số lượng, vị trí, kích thước, tính chất nhân giáp (đa phần các nhân giáp dạng hỗn hợp hoặc tổ chức đặc có nguy cơ ác tính nhiều hơn là nhân dạng nang).
- Xét nghiệm máu: Đo nồng độ các hormon tuyến giáp là T3, FT4 và hormone TSH của tuyến yên. Xét nghiệm Thyroglobulin (Tg) là dấu ấn phát hiện sớm Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.
- Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ: Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ được chỉ định khi có nhân tuyến giáp ≥ 5mm và kết quả thăm dò tế bào học nhân giáp giúp lựa chọn chỉ định điều trị.
- Điện tim.
- Chụp cắt lớp vi tính vùng cổ ngực.
Với những trường hợp ung thư các bác sĩ có thể chỉ định siêu âm ổ bụng, chụp MRI sọ não, xạ hình toàn thân để đánh giá di căn.
Bệnh lý tuyến giáp có nguy hiểm không?
Bệnh tuyến giáp là bệnh tiến triển chậm và có thể chữa khỏi (kể cả ung thư tuyến giáp). Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị và theo dõi cẩn thận người bị bệnh tuyến giáp có thể sống cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Do vậy, bạn không nên lo lắng khi bản thân bị một trong các bệnh của tuyến giáp. Điều tốt nhất nên làm đó là đến khám bác sĩ chuyên khoa để có kế hoạch điều trị phù hợp nhất. Mục tiêu của điều trị là khôi phục lại lượng hormon giáp bình thường trong máu, xử trí những tổn thương tại tuyến.
- Với những trường hợp nhược giáp, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các loại thuốc là nội tiết tố tổng hợp thay thế các hormon giáp. Loại thuốc này phải uống hàng ngày theo đơn của bác sĩ và xét nghiệm kiểm tra định kỳ.
- Đối với những bệnh cường chức năng, hiện nay có 3 phương pháp điều trị, đó là: dùng thuốc kháng giáp để ngăn chặn sản xuất hormon; điều trị bằng i ốt phóng xạ để vô hiệu hóa tuyến giáp và phẫu thuật để cắt bỏ một phần tuyến giáp. Phẫu thuật là phương pháp điều trị có nhiều ưu điểm đó là triệt để, an toàn và không phải uống hormon thay thế.
- Đối với bệnh bướu giáp nhân, bướu giáp đa nhân hoặc các u tuyến giáp lành tính thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật.
- Ung thư tuyến giáp là loại phát triển chậm, kết quả điều trị thường rất tốt. Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Sau phẫu thuật sẽ được điều trị bổ trợ bằng hóa chất và xạ. Bên cạnh đó bệnh nhân nhân cũng được dùng các thuốc hormon thay thế.
Bệnh viện Nam Thăng Long đã và đang tiến hành khám sàng lọc và chẩn đoán sớm các bệnh lý của tuyến giáp đặc biệt là tầm soát ung thư sớm tuyến giáp bằng xét nghiệm miễn dịch; với sự hợp tác chuyên môn với các Bệnh viện tuyến trung ương, Bệnh viện tiến hành làm sinh thiết - giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định Ung thư tuyến giáp và điều trị bằng phương pháp phẫu thuật khi có chỉ định.
Bệnh lý tuyến giáp gây ra ảnh hưởng chuyển hóa nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng đến sinh sản của nữ giới. Do đó, việc tiến kiểm tra, tầm soát, sàng lọc bệnh là vô cùng quan trọng. Để được tư vấn, hỗ trợ tận tình, quý khách vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY hoặc theo hotline 088.6568.115. Đội ngũ nhân viên của Bệnh viện Nam Thăng Long luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng.
Bác sĩ Đào Xuân Tùng - Khoa Ngoại Tổng hợp
Tin tức khác cùng chuyên mục
- Khám chữa bệnh các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ 6
Mùa hè:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h30’-17h00’
Mùa Đông:
+ Sáng: 7h30’-12h00’
+ Chiều: 13h00’-16h30’
Đang online: 2
Truy cập hôm nay: 96
Tổng số truy cập: 2108